About Me

header ads

Danh sách các môn học chuyên ngành Computer Network and Communications


INT2209 – Mạng máy tính

Mã học phần: INT2209
Tên học phần: Mạng máy tính
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: INT1006 – Tin học cơ sở 4
Tóm tắt nội dung:
Học phần được chia thành 5 chương. Chương 1 giới thiệu chung về toàn bộ các phần, trình bày vị trí của các phần, dịch vụ và mô hình Mạng. Tập trung vào khái niệm phân tầng. Giới thiệu qua về Mô hình OSI và Mô hình Internet.
Chương 2 trình bày về Tầng Ứng dụng. Giới thiệu các yêu cầu của các ứng dụng : tính tin cậy, khả năng đảm bảo băng thông và thời gian. Trình bày hai mô hình ứng dụng và các ứng dụng liên quan. Mô hình client-server với ứng dụng Web, truyền file, thư tín điện tử (email), dich vụ tên miền (DNS). Mô hình đồng đẳng với ứng dụng Nhắn tin tức thì và Chia sẻ file. Phần cuối trình bày cách phát triển ứng dụng với lập trình socket.
Chương 3 trình bày về tầng Giao vận. Phần đầu tiên giới thiệu về các dịch vụ Giao vận quan trọng nhất và giao thức UDP. Phần thứ hai trình bày về nguyên tắc xây dựng đường truyền tin cậy. Phần cuối cùng giới thiệu giao thức TCP và cách thức triển khai tính tin cậy, điều khiển lưu lượng, kiểm soát tắc nghẽn trong TCP.
Chương 4 giới thiệu về tầng Mạng với hai mô hình chính : Chuyển mạch và Chuyển gói. Sau đó giới thiệu về cách đánh địa chỉ IP và giao thức IP. Phần sau trình bày các thuật toán định tuyến, việc định tuyến phân cấp: nội miền (RIP, OSPF) và liên miền (BGP). Phần cuối cùng trình bày về IPv6.
Chương 5 trình bày về Tầng Liên kết dữ liệu với các dịch vụ quan trọng nhất. Sau đó giới thiệu về công nghệ Ethernet, các thiết bị kết nối ở tầng Liên kết dữ liệu như Hub, Bridge, Switch; Công nghệ kết nối LAN không dây.

ELT3044 – Xử lý tín hiệu số

Mã học phần: ELT3044
Tên học phần: Xử lý tín hiệu số
Số tín chỉ: 4
Học phần tiên quyết: MAT1093/MAT1041
Tóm tắt nội dung:
Học phần tập trung phân tích vai trò “lọc” của một hệ thốngtuyến tính bất biến theo thời gian rời rạc và tìm hiểu các phương pháp thiết kế các bộ lọc tuyến tính bất biến để đáp ứng yêu cầu mà bộ lọc cần thỏa mãn trong miền tần số. Học phần trang bị kiến thức về các kỹ thuật thiết kế các bộ lọc tuyến tính có chiều dài vô hạn (IIR) và hữu hạn (FIR), với các loại lọc thông thấp, thông dải, thông cao và triệt dải.
Trước hết là kiến thức cơ bản về tín hiệu rời rạc và hệ thống rời rạc đặc biệt là các khái niệm quan trọng của hệ thống rời rạc bao gồm tính tuyến tính, bất biến theo thời gian, nhân quả và ổn định. Sau đó là xây dựng các cấu trúc bộ lọc cho phép làm giảm tài nguyên và giảm lỗi hệ thống, bao gồm: dạng trực tiếp I, dạng trực tiếp II, dạng chuyển vị, dạng nối tiếp, dạng song song, dạng thang chéo của hệ thống trung bình động.
Sau khi có các kiến thức cơ sở về hệ thống rời rạc và cấu trúc bộ lọc, sinh viên sẽ tập trung tìm hiểu các kỹ thuật thiết kế về: Các bộ lọc số IIR thông qua các bộ lọc tương tự Butterworth và Chevbyshev bao gồm các phương pháp đáp ứng xung bất biến, biến đổi song tuyến tính; Các bộ lọc số FIR, bao gồm các phương pháp cửa sổ, tần số, Parks-McClellan; Các bộ lọc số đa vận tốc, bao gồm hạ tốc, tăng tốc; tốc độ thay đổi hữu tỷ; đa pha.
Phần thực hành (3 giờ tín chỉ~6 tiết thực hành) bao gồm: Thiết kế các bộ lọc IIR và FIR trên các kít DSP, có mô phỏng MATLAB.

ELT2040 – Điện tử tương tự

Mã học phần: ELT2040
Tên học phần: Điện tử tương tự
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: PHY1103– Điện – Quang
Tóm tắt nội dung:
Học phần trình bày về nguyên lý hoạt động của các mạch điện tử cơ bản dựa trên các linh kiện điện tử, bán dẫn hiện đại như diode, transistor, bộ khuyếch đại thuật toán.Cụ thể là các mạch điện tử tuyến tính xử lý tín hiệu tương tự sử dụng các loại diode và transistor với các cấu hình mạch khác nhau. Các bộ khuếch đại transistor ghép nhiều tầng như bộ khuếch đại vi sai lối vào, khuếch đại công suất lối ra sẽ được khảo sát. Cấu trúc và nguyên lý hoạt động của các cổng điện tử cơ bản dùng cho kỹ thuật điện tử số cũng được giới thiệu sơ bộ. Các mạch điện phi tuyến như mạch tách sóng, mạch so sánh analog và các máy phát dao động sẽ được khảo sát. Một vài mạch điện tử dùng cho kỹ thuật điều khiển và truyền thông như mạch ứng dụng thyristor và triac, mạch điều chế và giải điều chế tín hiệu sẽ được trình bày sơ bộ. Phần cuối cùng được trình bày là cấu tạo và nguyên tắc hoạt động của các bộ nguồn nuôi ổn áp.

ELT3102 – Thực tập điện tử tương tự

Mã học phần: ELT3102
Tên học phần: Thực tập điện tử tương tự
Số tín chỉ: 2
Học phần tiên quyết: ELT2040 – Điện tử tương tự
Tóm tắt nội dung:
Nội dung học phần bao gồm nguyên lý hoạt động của các mạch điện tử cơ bản dựa trên các dụng cụ điện tử bán dẫn hiện đại như diode, transistor, bộ khuyếch đại thuật toán. Cụ thể là các mạch điện tử tuyến tính xử lý tín hiệu tương tự như mạch chỉnh lưu, mạch sửa dạng sóng dùng diode, bộ khuếch đại đơn transistor với 3 cách mắc emitter, base và collector chung, các bộ khuếch đại ghép nhiều tầng, bộ khuếch đại ghép tổ hợp, bộ khuếch đại vi sai,v.v… Các mạch điện phi tuyến như mạch tách sóng, mạch so sánh analog và nguyên lý của các máy phát các dao động sin và không sin cũng được khảo sát. Một số mạch điện tử cơ bản dùng cho truyền thông như mạch trộn tần, mạch điều chế tín hiệu, giải điều chế được trình bày. Các mạch trích và giữ mẫu tín hiệu (S&H), các bộ biến đổi tín hiệu số ra tương tự (D/A) và ngược lại tương tự ra số (A/D) cũng được giới thiệu. Phần cuối cùng là trình bày nguyên tắc các bộ nguồn nuôi ổn áp trong đó có cả các mạch ổn áp kiểu xung điện.

ELT2041 – Điện tử số

Mã học phần: ELT2041
Tên học phần: Điện tử số
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết:
Tóm tắt nội dung:
Nội dung học phần bao gồm các mô-đun kiến thức từ căn bản đến nâng cao, giúp sinh viên nắm được các vấn đề cốt lõi về thiết kế điện tử số. Cụ thể, học phần trang bị cho sinh viên các kiến thức liên quan đến: các hệ thống số, số bù, mã hoá, đại số Boolean, các hàm lôgic, các cổng lôgic căn bản, các phương pháp xây dựng và tối giản các hàm lôgic, bản đồ Karnaugh… Các tín hiệu lôgic, các quy ước về ký hiệu trong thiết kế điện tử số, các họ lôgic số cơ bản và các đặc tính về điện. Các công cụ hỗ trợ thiết kế và ngôn ngữ mô tả phần cứng. Giới thiệu chi tiết về ngôn ngữ VHDL (hoặc Verilog). Các mạch lôgic tổ hợp và phương pháp thiết kế, mô hình hoá các mạch lôgic tổ hợp sử dụng ngôn ngữ mô tả phần cứng. Các mạch lôgic tuần tự (flip-flops, triggers, latches, thanh ghi, các bộ đếm nhị phân, Johnson…) và phương pháp thiết kế, mô hình hoá các mạch lôgic tuần tự sử dụng ngôn ngữ mô tả phần cứng. Thiết kế máy trạng thái hữu hạn (FSM) để thực hiện các mạch điện tử số theo bài toán thiết kế. Cuối cùng, sinh viên được giới thiệu và làm quen với các công nghệ thiết kế điện tử số với các vi mạch khả trình (CPLD và FPGA), cho phép thực hiện các thiết kế của mình trên các vi mạch khả trình và bản mạch phát triển.

ELT3043 – Truyền thông

Mã học phần: ELT3043
Tên học phần: Truyền thông
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: Không
Tóm tắt nội dung:
Nội dung học phần bao gồm các khái niệm cơ bản về truyền tin điểm-điểm và kỹ thuật truyền tin trong mạng (hệ thống nhiều nut, nhiều đường). Cụ thể, học phần trang bị cho sinh viên các kiến thức sau: Các khái niệm cơ bản về đường truyền, điều chế, giải điều chế AM,FM,PLL. Chuyển mạch mạch và chuyển mạch gói. Tổng đài không – thời gian. Công thức Erlan. Điênh thoại di động tế bào.
Phần thực hành (3 giờ tín chỉ~6 tiết thực hành) bao gồm:
  • Sử dụng các modul đã thiết kế để tạo các tín hiệu AM,FM
  • Sử dụng các modul có sẵn để phân tích và thực hiện kỹ thuật PLL

INT3303 – Mạng không dây

Mã học phần: INT3303
Tên học phần: Mạng không dây
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: INT2209 – Mạng máy tính
Tóm tắt nội dung:
Học phần bắt đầu bằng một chương giới thiệu (chương 1), sau đó được tổ chức thành các chương có nội dung tương đối độc lập với nhau.
Chương 2 trình bày các đặc tính của môi trường không dây và các kỹ thuật điều chế song.
Chương 3 giới thiệu các phương pháp truy cập đường truyền khác nhau.
Chương 4 giới thiệu về Hệ thống viễn thông tập trung vào hệ thống mạng điện thoại di động GSM.
Chương 5 trình bày về việc truyền thông qua hệ thống vệ tinh.
Chương 6 giới thiệu hệ thống mạng Lan không dây (Wifi).
Các chương 7, 8 và 9 giới thiệu tương ứng cần phải thay đổi gì ở các tầng Mạng, Giao vận và Ứng dụng để đáp ứng tính năng di động của các thiết bị mạng.

INT3307 – An toàn và an ninh mạng

Mã học phần: INT3307
Tên học phần: An toàn và an ninh mạng
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: INT2209 – Mạng máy tính
Tóm tắt nội dung:
Học phần giới thiệu các nguyên lý của an toàn và an ninh mạng trong đó chú trọng đề cập đến các công nghệ và chuẩn đã được sử dụng rộng rãi để đảm bảo an toàn cho dữ liệu truyền qua mạng.
Học phần bắt đầu với phần giới thiệu chung về học phần. Hai chương tiếp theo điểm lại các giải thuật và giao thức mật mã học là cơ sở của an ninh mạng bao gồm mật mã đối xứng và khóa công khai, xác thực thông báo, hàm băm, và chữ ký số.
Bốn chương còn lại trình bày các chủ đề chính của học phần. Chúng bao quát các ứng dụng và chuẩn an ninh mạng quan trọng, bao gồm hệ thống xác thực người dung Kerberos, chứng thực khóa công khai X.509, giao thức an ninh giao vận SSL/TLS, giao thức an ninh truyền thông SSH, chương trình an ninh thư điện tử PGP, chuẩn an ninh thư điện tử S/MIME, và các tính năng an ninh IP.

INT3313 – Các vấn đề hiện đại của Truyền thông và Mạng máy tính

Mã học phần: INT3313
Tên học phần: Các vấn đề hiện đại của Truyền thông và Mạng máy tính
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: INT 1003
Tóm tắt nội dung:
Học phần được tiến hành dưới dạng seminar. Lớp học sẽ được chia thành các nhóm từ 20 đến 40 sinh viên. Chủ đề sẽ được giảng dạy hàng năm có thể thay đổi và về cơ bản do giảng viên quyết định. Chủ đề được chọn là một số hướng nghiên cứu hiện đại về Truyền thông và Mạng máy tính đang được các nhà nghiên cứu hay các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm. Bên cạnh đó, chủ đề của học phần cũng có thể hướng tới khóa luận tốt nghiệp của sinh viên.

ELT3067 – Truyền thông quang

Mã học phần: ELT3067
Tên học phần: Truyền thông quang
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: PHY1103
Tóm tắt nội dung:
Giới thiệu lịch sử phát triển thông tin quang. Cơ sở vật lí của thông tin quang sợi và nguyên lý truyền thông tin quang sợi. Thông qua các đặc tính cơ bản của các phần tử quang cơ bản để nắm được cơ sở và nguyên tắc thiết lập mạng quang, truyền thông qua mạng quang.
Tiến hành một vài thí nghiệm cơ bản nhằm kiểm nghiệm lại các thông số sợi quang như suy hao, tán sắc.. sử dụng các thiết bị mạng quang để truyền dẫn thông tin quang, đánh giá hiệu suất phổ thông tin quang..
Phần thực hành (6 giờ tín chỉ~12 tiết thực hành) bao gồm:
  • Sử dụng hệ thống thí nghiệm tiến hành đo đạc khảo sát ảnh hưởng của các tham số sợi quang như suy hao, tán sắc trong truyền thông quang ở hai chế độ : đa mode và đơn mode.
  • Sử dụng phần mềm, mô hình hóa mạng quang..

ELT3057 – Truyền thông số và mã hóa

Mã học phần: ELT3057
Tên học phần: Truyền thông số và mã hóa
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: ELT2035
Tóm tắt nội dung:
Nội dung học phần bao gồm các kiến thức cơ bản về truyền tin số. So sánh truyền tin tương tự với các kỹ thuật ASK.FSK.PSK.QAM . Giản đồ chòm sao. Tỷ lệ lỗi BER. Trao đổi giữa băng tần và công suất. Khái niệm mã nguồn. Tập trung nghiên cứu mã khối và mã chập. Công thức Shannon. Các khối và chức năng của hệ thống truyền dẫn số
Phần bài tập (3 giờ tín chỉ) bao gồm: các tính toán đánh giá hiệu quả hoạt động sơ bộ của hệ thống truyền dẫn số

ELT3063 – Mô hình hóa và mô phỏng mạng

Mã học phần: ELT3063
Tên học phần: Mô hình hóa và mô phỏng mạng
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết:
Tóm tắt nội dung:
Nội dung học phần ”Mô hình hóa và mô phỏng mạng” bao gồm giới thiệu lý thuyết chung, các quy trình và phương pháp thực hiện mô hình hóa và mô phỏng mạng truyền thông.
Sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức cơ sở về mô phỏng sự kiện rời rạc, lý thuyết xác suất ứng dụng trong đánh giá hiệu năng hệ thống và mạng truyền thông. Các kỹ thuật mô hình hóa sử dụng trong đánh giá hiệu năng của các loại mạng truyền thông khác nhau.
Giới thiệu một số công cụ mô phỏng mạng và sinh viên tự lựa chọn loại công cụ mô phỏng phù hợp cho việc thực hiện bài tập học phần. Bài tập học phần được thực hiện theo nhóm với các chủ đề tự chọn về đánh giá hiệu năng của một mạng truyền thông. Việc thực hiện bài tập học phần theo nhóm tập trung rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm, trình bày báo cáo, lập trình mô phỏng và áp dụng các kiến thức đã học trong học phần này.

ELT3080 – Truyền thông di động

Mã học phần: ELT3080
Tên học phần: Truyền thông di động
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết:
Tóm tắt nội dung:
Thông tin di động thế hệ 3 được phát triển trên cơ sở các mạng di động trước đây tuy nhiên bổ sung một số kỹ thuật nhằm nâng cao tốc độ truyền dẫn vô tuyến như kỹ thuật OFDM, MIMO hay mã hóa không gian thời gian.
Khái quát chung về sự phát triển của các hệ thống thông tin di động, cấu trúc chung cũng như tổ chức phân lớp của hệ thống thông tin di động
Các phương pháp đa truy nhập vô tuyến trong thông tin di động đặc biệt là phương pháp OFDMA
Các hệ thống di động 3G đang được sử dụng phổ biến dựa trên nền tảng GSM và IS95 là WCDMA UMTS và CDMA2000.
Lộ trình phát triển lên 4G và công nghệ được đề xuất hiện nay là LTE

ELT3062 – Mạng truyền thông máy tính 2

Mã học phần: ELT3062
Tên học phần: Mạng truyền thông máy tính 2
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết:
Tóm tắt nội dung:
Nội dung học phần bao gồm các khối kiến thức cơ bản về lý thuyết: i) Nắm chắc được phương pháp luận của mô hình kiến trúc OSI. Nguyên lí liên kết dữ liệu và tối ưu hóa và các nguyên tắc phát hiện và điều khiển lỗi cơ bản cho mạng truyền dữ liệu nhằm đạt được độ tin cậy (xác xuất phát hiện lỗi) mong muốn, giảm độ phức tạp của thuật toán. ii) Hiểu và sử dụng được các phương pháp điều khiển đa truy cập, các bài toán giải quyết tắc ngẽn nhằm nâng cao hiệu năng với hai giao thức cơ bản là S-Aloha và P-Aloha. Nắm được ảnh hưởng của mô hình mạng, phương thức truyền dấn tới bài toán định tuyến, đảm bảo lưu lượng mạng và chất lượng dịch vụ cuộc.
Phần thực hành (6 giờ tín chỉ~12 tiết thực hành) bao gồm:
  • Sử dụng phần mềm, mô hình hóa mạng để khảo sát ảnh hưởng của các tham số trong lí thuyết xắp hàng nhằm đạt được độ trễ mong muốn.
  • Sử dụng phần mềm, mô hình hóa mạng với bài toán định tuyến RIP, OSPF ..

ELT3056 – Truyền thông vô tuyến

Mã học phần: ELT3056
Tên học phần: Truyền thông vô tuyến
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: ELT2035 /ELT3043
Tóm tắt nội dung:
Khác với truyền thông hữu tuyến, thiết kế một hệ thống vô tuyến tập trung giải quyết hai hiện tượng đặc trưng của kênh vô tuyến là pha-đinh và nhiễu.
Học phần trang bị kiến thức về tính chất và mô hình của kênh vô tuyến, các khái niệm và kỹ thuật trong truyền thông vô tuyến nhằm giảm tác động của pha-đinh và nhiễu, và ứng dụng các kỹ thuật trên trong các hệ thống truyền thông vô tuyến thông dụng.
Học phần đề cập đến mô hình vật lý và các đặc trưng của kênh vô tuyến: pha-đinh lớn và pha-định nhỏ, các thông số cốt yếu (trải Doppler, thời gian “coherence”, trải trể, phổ “coherence”), xây dựng mô hình toán học liên kết giữa đầu vào và đâu ra của kênh vô tuyến, bao gồm mô hình thông dải, mô hình thông cơ sở, các mô hình xác suất (Rayleigh, Rician), biểu diễn mô hình kênh vô tuyến theo thời gian rời rạc; Tìm hiểu các kỹ thiết kế được bộ phát và bộ thu vô tuyến làm giảm tác động của pha-đinh: kỹ thuật tách sóng qua kênh pha-đinh Rayleigh, các loại phân tập (thời gian, tần số, không gian) và cách đánh giá được chất lượng của hệ thống, so với kênh AWGN; Làm quen với các hệ thống truyền thông vô tuyến thực tế (GSM, CDMA, OFDM) và các kỹ thuật đa truy cập và quản lý nhiễu liên quan.
Phần thực hành (3 giờ tín chỉ~6 tiết thực hành) bao gồm:
Thực hành truyền và nhận thông tin qua kênh vô tuyến thực, sử dụng kít USRP.

INT3305 – Truyền thông đa phương tiện

Mã học phần: INT3305
Tên học phần: Truyền thông đa phương tiện
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: INT2209 – Mạng máy tính
Tóm tắt nội dung:
Mục tiêu của học phần là đạt được hiểu biết cơ bản về truyền thông đa phương tiện như các chuẩn nén ảnh, nén video và các giao thức truyền thông đa phương tiện; nắm được các vấn đề hiện đại và có khả năng đi sâu vào nghiên cứu của lĩnh vực truyền thông đa phương tiện; có thể thiết kế và xây dựng các ứng dụng về truyền thông đa phương tiện.
Học phần này sẽ giới thiệu về các công nghệ truyền thông đa phương tiện hiện đại và ứng dụng. Nội dung học phần bao gồm các phương pháp biểu diễn dữ liệu đa phương tiện, bao gồm hình ảnh (chuẩn JPEG, JPEG 2000), video (MPEG-1, MPEG-2, và MPEG-4) và audio, và các phương thức truyền tải các dữ liệu này qua mạng truyền thông, các vấn đề cần quan tâm khi thiết kế một hệ thống truyền thông đa phương tiện.

INT3310 – Quản trị mạng

Mã học phần: INT3310
Tên học phần: Quản trị mạng
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: INT2209 – Mạng máy tính
Tóm tắt nội dung:
Mục tiêu của học phần: nắm được những kỹ thuật mạng cơ bản; nắm vững cơ chế hoạt động và cách thiết lập một mạng LAN cỡ nhỏ; hiểu rõ cơ chế hoạt động, sự tương tác giữa các thành phần trong mạng (phần cứng, phần mềm); có kỹ năng thực hành tốt với một số thiết bị mạng; có kỹ năng giám sát, vận hành và đảm bảo hiệu suất cho một mạng LAN cỡ nhỏ.
Học phần “Quản trị Mạng” được chia thành hai phần: Phần lý thuyết cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về mạng LAN, WAN (phần cứng, phần mềm) và các yêu cầu, công việc đối với một quản trị mạng. Trong phần này cũng giới thiệu một số công cụ quản trị mạng (tính năng, nguyên lý hoạt động). Phần thực hành tập trung vào hướng dẫn sinh viên toàn bộ kỹ năng cần thiết trong một quy trình xây dựng, bảo dưỡng và nâng cấp mạng.

INT3304 – Lập trình mạng

Mã học phần: INT3304
Tên học phần: Lập trình mạng
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: INT2209 – Mạng máy tính
Tóm tắt nội dung:
Học phần cung cấp cho sinh viên các kiến thức về thiết kế và lập trình ứng dụng mạng. Ngày nay các ứng dụng mạng được xây dựng dựa trên giao diện socket và mô hình chủ/khách. Học phần này bắt đầu với lập trình socket, là giao diện giữa tầng ứng dụng và tầng TCP/IP. Tiếp theo, sinh viên sẽ được học về cách thức thiết kế giao thức ứng dụng mạng. Chủ đề tiếp theo của học phần là về thiết kế và cách thức lập trình theo mô hình chủ/khách. Một số mô hình chủ/khách sẽ được giới thiệu và phân tích. Chủ đề cuối cùng được giới thiệu trong học phần này là về mô hình gọi thủ tục từ xa (RPC), một mô hình được sử dụng rộng rãi trong tính toán và xử lý phân tán. Sinh viên cũng sẽ được phát triển kỹ năng lập trình và làm việc theo nhóm thông qua các dự án lập trình được thực hiện trong suốt khoá học.

INT3308 – Đánh giá hiệu năng mạng

Mã học phần: INT3308
Tên học phần: Đánh giá hiệu năng mạng
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: INT2209 – Mạng máy tính
Tóm tắt nội dung:
Học phần ”Đánh giá hiệu năng mạng” bao gồm các nội dung chính như sau:
  • Trình bày khái niệm hiệu năng mạng và các độ đo thường được sử dụng để đánh giá hiệu năng.
  • Giới thiệu sơ lược về việc lập mô hình hàng đợi; Công thức Little và một số thí dụ về áp dụng nó.
  • Giới thiệu chung về phương pháp mô phỏng dựa trên các sự kiện rời rạc; Bộ mô phỏng mạng NS-2; Sử dụng NS-2 để mô phỏng và đánh giá hiệu năng của các giao thức giao vận UDP, TCP trong các trường hợp đơn giản.
  • Giới thiệu chung về phương pháp đo trên mạng thực; Giới thiệu bộ giám sát và phân tích mạng Wireshark; Sử dụng Wireshark để quan sát sự hoạt động của một số giao thức khác nhau và để phân tích hiệu năng của các giao thức giao vận UDP, TCP trong các trường hợp đơn giản.

INT3309 – Phân tích và thiết kế mạng máy tính

Mã học phần: INT3309
Tên học phần: Phân tích và thiết kế mạng máy tính
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: INT2209 – Mạng máy tính
Tóm tắt nội dung:
Mục tiêu của học phần: hiểu biết chắc chắn về khả năng kỹ thuật của các thiết bị ghép nối mạng: HUB, Bridge, Switch, Router; đọc hiểu được các sơ đồ logic của mạng cũng như phân tích, thiết kế được sơ đồ logic của mạng với các yêu cầu cho trước; sơ đồ thiết kế mạng có định hướng rõ ràng về tổ chức quản trị và đảm bảo an ninh mạng: tổ chức được không gian địa chỉ IP cho mạng với các dự kiến về các VLAN riêng biệt. Các giải pháp đảm bảo an ninh.
Nội dung học phần: tiếp cận mô hình OSI và topo mạng từ góc độ thực tiễn. Các chuẩn công nghệ mạng. Hệ thống các thiết bị ghép nối mạng và phạm vi ứng dụng của chúng. Khái quát về các bước xây dựng thiết kế mạng. Các nội dung quản trị và các giải pháp giám sát mạng.

INT3312 – Các giải thuật phân tán

Mã học phần: INT3312
Tên học phần: Các giải thuật phân tán
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết:
Tóm tắt nội dung:
Học phần học giới thiệu giải pháp và kết quả phân tích đánh giá cho một số vấn đề cốt lõi của tin học phân tán bao gồm xây dựng cây khung, bầu thủ lĩnh, đồng thuận kháng lỗi, loại trừ lẫn nhau, nhân quả và thời gian. Các hệ thống được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, theo các phương thức giao tiếp truyền thông báo và bộ nhớ chung phần, trên các mô hình thực hiện đồng bộ, không đồng bộ, và đồng hồ hóa, dưới tác động của các yếu tố tính không tất định, phạm vi nhận biết mang tính cục bộ hạn chế, và khả năng xảy ra lỗi. Các bài giảng và bài tập chú trọng chứng minh chặt chẽ tính đúng đắn của các giải thuật và khả năng ứng dụng của các giải thuật này trong thực tế.

INT3317 – Thực hành an ninh mạng

Mã học phần: INT3317
Tên học phần: Thực hành an ninh mạng
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: INT2209 – Mạng máy tính
Tóm tắt nội dung:
Học phần giới thiệu các vấn đề an ninh thường gặp trong các hệ thống mạng máy tính. Đặc trưng của học phần là nhấn mạnh vào khía cạnh thực hành, với nhiều dạng bài tập khác nhau từ cài đặt, thử nghiệm, đến lập trình. Các chủ đề của học phần bao gồm: các cách thức tấn công mạng và hệ thống; các phương pháp bảo vệ tiêu biểu, các lỗ hổng hệ điều hành và ứng dụng, đặc biệt là các ứng dụng Web, cách thức khai thác và các biện pháp phòng chống.

INT3301 – Thực hành hệ điều hành mạng

Mã học phần: INT3301
Tên học phần: Thực hành hệ điều hành mạng
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: INT1006 – Tin học cơ sở 4
Tóm tắt nội dung:
Nội dung học phần được chia thành 2 phần.
Phần một là tài liệu lý thuyết, chứa đựng những khái niệm cơ bản nhất về hệ điều hành Linux và những dịch vụ mạng xây dựng trên hệ điều hành này.
Phần hai là phần thực hành, đây là phần chính, bắt buộc các sinh viên phải thông qua thực hành để nắm rõ được các kỹ năng cần thiết khi sử dụng Linux mà không thể tiếp cận được thông qua lý thuyết.
Học phần cung cấp các kiến thức về các dịch vụ mạng trên một hệ điều hành mạng (Linux); cách thức triển khai và cấu hình các dịch vụ mạng mức nâng cao; quản trị và khắc phục một số sự cố thông thường với các dịch vụ đã thiết lập thông qua các bài thí nghiệm và thực hành; có năng lực quản trị hệ thống tương đương với người có chứng chỉ RHCSA.

INT3318 – Các thiết bị mạng và môi trường truyền

Mã học phần: INT3318
Tên học phần: Các thiết bị mạng và môi trường truyền
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: INT2209 – Mạng máy tính
Tóm tắt nội dung:
Học phần giới thiệu các khối làm sẵn để xây dựng tạo nên mạng máy tính hiện đại như giao thức, tô pô, thiết bị phần cứng, hệ điều hành mạng. Học phần cũng cung cấp các khái niệm rất quan trọng của mạng máy tính hiện đại, đó là TCP/IP, Ethernet, truyền thông không dây và bảo mật. Học viên được chuẩn bị để có thể chọn ra thiết kế mạng, thiết bị phần cứng, hệ thống phần mềm phù hợp nhất cho môi trường mạng

INT3306 – Phát triển ứng dụng Web

Mã học phần: INT3306
Tên học phần: Phát triển ứng dụng Web
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: INT2204 – Lập trình hướng đối tượng; INT2207 – Cơ sở dữ liệu
Tóm tắt nội dung:
Mục tiêu của học phần: nắm được nguyên lý cơ bản về phát triển ứng dụng trên nền web; có thể xây dựng được một cách khá hoàn chỉnh những ứng dụng (trên nền web) đơn giản, có truy xuất vào cơ sở dữ liệu.
Nội dung học phần: điểm lại một số mô hình phát triển ứng dụng, giới thiệu mô hình Client Server và định hướng chuẩn hóa mà mô hình phát triển ứng dụng trên nền web như là một hệ quả logic. Nguyên lý xây dựng ứng dụng trên nền web và một số vấn đề liên quan. Lập trình ứng dụng trên nền web với một ngôn ngữ bậc cao (C/C++ hay Java). Ngôn ngữ lập trình được xây dựng riêng cho việc phát triển ứng dụng trên nền web. Luyện tập và thực hành phát triển ứng dụng truy xuất CSDL trên nền web.

INT3401 – Trí tuệ nhân tạo

Mã học phần: INT3401
Tên học phần: Trí tuệ nhân tạo
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: INT2203- Cấu trúc dữ liệu và giải thuật
Tóm tắt nội dung:
Mục tiêu của học phần: biết mô tả và biễu diễn các yêu cầu của một bài toán thực tế dưới dạng bài toán tìm kiếm; hiểu và vận dụng được các chiến lược tìm kiếm mù và tìm kiếm có kinh nghiệm; biết sử dụng logic mệnh đề và logic vị từ để biểu diễn tri thức; hiểu và biết sử dụng các luật phân giải và suy diễn; hiểu và biết sử dụng các phương pháp học máy.
Học phần cung cấp các kiến thức nền tảng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo bao gồm các phương pháp giải quyết vấn để sử dụng phương pháp tìm kiếm, các chiến lược tìm kiếm có kinh nghiệm, tìm kiếm thỏa mãn ràng buộc, tìm kiếm có đối thủ trong trò chơi, các phương pháp biểu diễn tri thức và lập luận tự động, lập luận không chắc chắn. Người học được giới thiệu các khái niệm và kỹ thuật cơ bản về học máy. Học phần cũng giới thiệu với người học một số công cụ để xây dựng các hệ thống thông minh.

INT2202 – Lập trình nâng cao

Mã học phần: INT2202
Tên học phần: Lập trình nâng cao
Số tín chỉ: 4
Học phần tiên quyết: INT1006 – Tin học cơ sở 4
Tóm tắt nội dung:
Học phần cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản và nâng cao về cách giải quyết các bài toán bằng lập trình. Giới thiệu các khái niệm và cấu trúc lập trình căn bản để giải quyết bài toán (minh hoạ trên ngôn ngữ C++): biến, kiểu dữ liệu, biểu thức, phép gán, vào ra dữ liệu đơn giản; các cấu trúc lặp và điều kiện, phân rã cấu trúc; làm việc với tệp; khái niệm hàm và sử dụng hàm. Giới thiệu các khái niệm và kỹ thuật nâng cao trong lập trình: làm việc với dữ liệu có cấu trúc; kỹ thuật đệ qui; kiểu dữ liệu trừu tượng; khuôn mẫu hàm; các khái niệm và kỹ thuật cơ bản trong lập trình hướng đối tượng; lập trình trên nhiều tệp. Thực hành trên ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng C++.

INT3108 – Lập trình nhúng và thời gian thực

Mã học phần: INT3108
Tên học phần: Lập trình nhúng và thời gian thực
Số tín chỉ: 3
Học phần tiên quyết: INT2202 – Lập trình nâng cao; INT2205 – Kiến trúc máy tính
Tóm tắt nội dung:
Học phần giới thiệu và cung cấp các khái niệm cơ bản của hệ nhúng, hệ thời gian thực và các ứng dụng. Sinh viên sẽ nắm vững nguyên lý phát triển hệ nhúng, cấu trúc phần cứng và phần mềm của hệ nhúng, lập trình hệ nhúng. Sinh viên được học trên môi trường lập trình và sử dụng các công cụ phát triển hệ nhúng, triển khai hệ nhúng trên nền một số kiến trúc CPU và tập lệnh tương ứng. Ngoài ra, học phần tập trung giới thiệu các công cụ mã nguồn mở và những ứng dụng thực tiễn để sinh viên dễ nắm bắt và thực hành.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét